Các cấp Hội Nông dân huyện Tánh Linh phối hợp triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện

Thứ Năm 28/03/2019 10:54
417

Năm 2018 của Huyện ủy Tánh Linh có Kết luận số 158-KL/HU về thực hiện một số chương trình trọng tâm trong tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020; thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã đạt được một số chuyển biến tích cực bước đầu.



Quan điểm chỉ đạo của huyện là tập trung đi vào chiều sâu, coi trọng chất lượng, tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị của một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Trong đó, trên vùng lúa chất lượng cao, đã duy trì được mối liên kết doanh nghiệp đầu tư – tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, đã xây dựng lộ trình cánh đồng lớn đến năm 2020 là 1.150 ha và đến năm 2025 sẽ xây dựng xong cánh đồng lớn diện tích 3.000 ha trên vùng lúa chất lượng cao.

Quyết tâm đưa sản xuất lúa theo hướng hữu cơ an toàn thực phẩm, Hội Nông dân xã Đức phú và các cơ quan ban ngành của xã đã vận động hội viên, nông dân thực hiện 50 ha theo mô hình cánh đồng lớn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư cho phía Nam. Trên cơ sở đó, đã lồng ghép liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển giao quy trình cấy bằng máy, bón phân hữu cơ vi sinh để tạo sản phẩm sạch. Tuy năng suất thấp hơn nhưng đem lại lợi nhuận tăng từ 2.500.000 đồng – 3.000.000 đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình, môi trường đồng ruộng được cải thiện, đất đai được cải tạo. Hiện đang tiếp tục triển khai mô hình này tại thị trấn Lạc Tánh, Đức Bình, Đồng Kho. Ngoài chương trình trên, còn có mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn tại xã Nghị đức, diện tích 52 ha lúa nếp, thu nhập tăng từ 1.500.000 đồng – 2.000.000 đồng/ha/vụ.

Xác định sản xuất lúa giống xác nhận sẽ nâng cao giá trị so với sản xuất lúa thương phẩm, nên trong tái cơ cấu nông nghiệp Tánh Linh đã tập trung chỉ đạo khoanh vùng quy hoạch chuyên sản xuất giống lúa. Thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn thực hiện các mô hình nhân giống lúa xác nhận; kết quả diện tích sản xuất lúa giống đạt trên 150 ha. Đây là năm thứ ba liên kết với Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long để sản xuất lúa giống diện tích 10 ha tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An tiêu thụ nội huyện. Đặc biệt vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố đã phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh trình diễn  mô hình kết hợp sản xuất hạt giống lúa xác nhận ứng dụng kỹ thuật cấy bằng máy cho hai giống OM 9915 và OM 9921 tại khu đồng Tum Le, thị trấn Lạc Tánh cho kết quả tốt.

Trong xây dựng cánh đồng lớn, vai trò HTX nông nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất trong liên kết đầu tư sản xuất – tiêu thụ nông sản hàng hóa là rất quan trọng. Vì vậy, trong năm 2018, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn thành lập mới được 4 HTX dịch vụ nông nghiệp, nâng tổng số HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện là 10 HTX. Xác định sản xuất hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ, thời gian qua huyện đã xây dựng logo nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, làm cơ sở cho việc tiêu thụ lúa gạo được sản xuất ra trên địa bàn huyện. Ngoài việc tư vấn, hướng dẫn thành lập mới các HTX, các tổ hợp tác sản xuất; các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động  hỗ trợ các HTX, các tổ hợp tác sản xuất thực hiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất; tổng cộng 26 dự án với tổng số tiền vay gần 2 tỷ 700 triệu đồng.

Ngoài vùng lúa chuyên canh nêu trên, huyện chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để nâng cao giá trị. Tổng diện tích chuyển đổi trên địa bàn huyện đến nay là 3.465 ha, tập trung tại các xã: Đức Phú, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Lạc Tánh và Gia An. Các loại cây trồng được chuyển đổi chủ yếu như: bắp, đậu, rau, mè, ớt, dưa hấu…đem lại thu nhập cao trên một đơn vị diện tích đất; cùng với đó đã mời gọi doanh nghiệp đầu tư – tiêu thụ, lợi nhuận đạt cao hơn từ 5.000.000 đồng – 7.000.000 đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa thường, riêng sản xuất ớt và giống rau màu, lợi nhuận đạt từ 100 – 150 triệu đồng/ha/vụ.

Diện tích cây công nghiệp dài ngày phát triển ổn định, trong đó diện tích cao su gần 22.000 ha, mặc dù giá cả không cao nhưng diện tích mới đưa vào khai thác tăng nên sản lượng mũ tăng. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn huyện và xuất bán ra ngoài. Cây điều trên 4.000 ha, trong năm bị mất mùa do thời tiết và sâu bệnh nhưng từ các nguồn kinh phí đã hỗ trợ thực hiện mô hình thâm canh, cải tạo vườn điều diện tích 45 ha, hỗ trợ giống điều thay thế vườn điều già cổi 26 ha và tập huấn kỹ thuật trên cây điều giúp nông dân tiếp cận các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng đầu tư sản xuất. Diện tích cá nước ngọt được huyện quan tâm bảo vệ, chuyển giao mô hình, tập huấn kỹ thuật. Bước đầu đã liên kết Doanh nghiệp sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cá Thác lác Biển Lạc, hướng đến sẽ xây dựng chương trình sản xuất  để đưa vào siêu thị trong những năm tiếp theo.

Có thể thấy rằng, với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT, UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng Tái cơ cấu nông nghiệp của Tánh linh và đã có thành công bước đầu; tạo điều kiện cho hội viên,  nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng sản xuất; tạo chuyển biến căn bản về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho hội viên, nông dân./. 
Nguyễn Văn Tỉnh- Tánh Linh