Bình Thuận: Nông dân mất ăn mất ngủ vì Tết cận kề mà thanh long rớt giá

Thứ Sáu 18/02/2022 14:41
729
(https://danviet.vn/)
Sáng 31/12, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), cho biết, mấy ngày qua giá thanh long giảm mạnh khiến nông dân mất ăn mất ngủ...

Người trồng và doanh nghiệp đều khóc vì thanh long rớt giá

Theo ông Trần Đình Trung, việc Trung Quốc siết kiểm soát nông sản, thực phẩm nhập khẩu khiến người trồng thanh long Bình Thuận mất ăn mất ngủ, ai cũng âu sầu vì tết đã cận kề...

"Nhiều năm trồng thanh long, chưa bao giờ chúng tôi thấy giá thanh long rớt thê thảm như đợt này. Hiện tại giá thanh long loại đẹp xuất khẩu chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây vài ngày. Còn thanh long hàng dạt thì rất khó bán,…" ông Trung buồn giọng.

Bình Thuận: Nông dân mất ăn mất ngủ vì thanh long rớt giá thê thảm - Ảnh 1.

Theo ông Trung, mấy ngày qua ông và nhiều doanh nghiệp khác tìm đường xuất khẩu thanh long sang châu Âu bằng đường hàng không, đường thủy. Nhưng giá vận chuyển 2 đường này quá cao nên chưa dám xúc tiến.

Cũng theo ông Trung, thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ mất khoảng gần 1 tháng, còn nếu xuất bằng đường biển qua châu Âu hiện phải mất gần 2 tháng nên thanh long rất khó bảo quản. Mặc khác, chi phí xuất khẩu thanh long bằng đường biển thời gian gần đây tăng cao. Nếu trước đây giá vận chuyển 1 container (gần 20 tấn) tốn khoảng 60-70 triệu đồng thì nay lên tới gần 200 triệu đồng.

Nông dân Trần Văn Thanh (cùng huyện Hàm Thuận Bắc) ngậm ngùi: “Giá thanh long giảm mạnh kiểu này năm nay coi như hết tết. Cả năm qua nông dân chúng tôi đã khổ vì dịch Covid-19 nay lại thêm vụ rớt giá này xem như nông dân trồng thanh long chúng tôi trắng tay, hết tết,…”

Theo lời ông Thanh, gia đình ông trồng hơn 5 sào thanh long nghịch vụ và suốt mấy tháng qua gia đình phải chong đèn nên tốn kém rất nhiều cho chi phí tiền điện. Lứa trái này chỉ vài hôm nữa là thu hoạch nhưng với giá bán rẻ hơn cho kiểu này xem như gia đình ông bị lỗ nặng...

Bình Thuận: Nông dân mất ăn mất ngủ vì thanh long rớt giá thê thảm - Ảnh 2.

Còn hộ bà La Vũ (ngụ thị trấn Thuận Nam huyện Hàm Thuận Nam) cùng đang đứng ngồi không yên vì thanh long rớt giá.

Theo lời bà La Vũ, gia đình bà có hơn 7 sào trồng thanh long va gần cả 1 năm qua lỗ nặng vì dịch. Đợt này gia đình bà hy vọng vào mùa thanh long nghịch vụ bán kiếm tiền tiêu Tết và trả nợ ngân hàng.

"Nhưng giá rớt thê thảm kiểu này xem như tôi lỗ nặng bởi chi phí chong đèn cho thanh long nghịch vụ ra trái rất cao, tốn nhiều công chăm sóc…", bà La Vũ ngậm ngùi.

Theo bà La Vũ và những nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, giá bán thanh long nghịch vụ tại vườn phải hơn 12.000 đồng/kg thì người trồng mới có lời. 

Nhưng với giá rớt thê thảm như hiện nay chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg thì coi như lỗ nặng. Người trồng ít lỗ ít, người trồng nhiều lỗ nhiều. Điều mà nhiều người trồng thanh long lo lắng nhất là không có tiền đầu tư cho vụ mới…

Hướng đi nào cho trái thanh long?

Lãnh đạo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, thời điểm Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long lại trùng với cao điểm người trái thanh long Bình Thuận thu hoạch. Bởi thu hoạch đợt cao điểm này nhằm để phục vụ thị trường Tết 2022 nên ảnh hưởng rất lớn đến người trồng và người mua thanh long đi xuất khẩu.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, trước tình hình trái thanh long qua thị trường Trung Quốc bị khó khăn như hiện nay, Sở cũng đã thông tin cho các hộ dân và doanh nghiệp biết để có giải pháp tiêu thụ và thu hoạch cho phù hợp.

Trong đó, tuyên truyền các doanh nghiệp tăng cường kết nối tiêu thụ trong nước, các siêu thị,... để tiêu thụ lượng hàng cho bà con.

Bình Thuận: Nông dân mất ăn mất ngủ vì thanh long rớt giá thê thảm - Ảnh 4.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, các hiệp hội khẩn trương thông báo đến các doanh nghiệp, HTX là thành viên có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Nhất là mùa vụ thu hoạch đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.

Với doanh nghiệp, HTX cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xem xét lựa chọn các phương thức xuất hàng khác như qua cảng biển. 

Điều này cũng nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ, đồng thời quan tâm thực hiện giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương. 

Liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…