Chi tiết câu hỏi/ trả lời

Câu hỏi: Chăn Nuôi Bò
Qua 6 tháng nuôi thử nghiệm 10 con bò và giờ em quyết định đầu tư trang trại với quy mô 50 con với hình thức bán chăn thả( sáng đi lên rừng, khoãng 3h chiều về cho ăn thêm tại chuồng. Qua 6 tháng nuôi thử em có 1 số câu hỏi cần anh chị giải đáp dùm em:
- Về đất: Chổ em là đất cát động khu vực hòa phú, nếu em muốn trồng cỏ thì phải cải tạo đất như thế nào để trồng cỏ VA06. Em đã rãi 1 lớp phân bò trước khi trồng cỏ rồi nhưng không hiệu quả, cỏ phát triển rất chậm,20 ngày chỉ cao khoảng 10 phân( trồng bằng hom, tưới nước đầy đủ)
- Về thức ăn: anh chị hướng dẫn dùm em cách phối trộn thức ăn tinh và công thức ủ thức ăn đơn giản nhất với cỏ, rơm và xác mía. thời gian lưu trữ và cách cho ăn như thế nào. Đối với bê con công thức ủ như thế nào để khỏi bị ngộ độc ure.(cám, bột bắp, bột sắn, rỉ mật, muối, cỏ và rơm là những thứ dễ kiếm và rẽ ở chỗ của em). Em tìm hiểu thấy có loại men vi sinh để ủ thức ăn, men đó có tốt không và ủ như thế nào và mua ở đâu?
- Về vệ sinh môi trường: Em muốn xây hâm biogas cho 50 mươi con bò thì cần xây khoảng bao nhiêu m3 để tận dụng khí gas cho sinh hoạt và chạy máy phát điện để phục vụ tưới cỏ và một phần phân để nuôi trùng quế và bón phân cho cây). Nếu xây thì liên hệ với ai và giá cả như thế nào.
Trả lời

1. Trồng cỏ VA06:

Cỏ VA06 có thể trồng được trên tất cả các loại đất. Đất cát động cần lượng phân bón cao. Trước khi trồng cần cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Bón lót mỗi ha 30 tấn phân chuồng và 3 tấn Supper lân (có thể bón như trồng cỏ voi) hoặc mỗi hốc bón 100g phân NPK hỗn hợp. Sau khi trồng chú ý tưới nước giữ ẩm, có thể dùng nước phân chuồng loãng để tưới giúp cây ra rễ nhanh. Trong thời gian đầu cần làm cỏ 1 – 2 lần, lần 1 sau trồng 1 tháng kết hợp bón mỗi hốc 10g đạm urê, lần 2 sau lần 1 khoảng 1 – 1,5 tháng kết hợp bón mỗi hốc 25g đạm urê và vun gốc để tránh đổ vì đây là thời kỳ cỏ phát triển nhanh nhất. Phải tưới nước hàng ngày nhưng không để đọng nước. Muốn có năng suất cao phải bón thúc nhiều lần để cây đẻ sớm, đẻ khoẻ và sinh trưởng nhanh. Sau mỗi lần cắt 2 ngày thì phải bón phân bổ sung, mức bón là 80-100kg đạm urê/ha và xới xáo để nâng cao năng suất. Trước khi vào mùa khô nên bón 1 lần phân chuồng nhằm đảm bảo cỏ tái sinh được tốt.

Có thể bón với lượng phân như trồng cỏ voi (tính cho 1 ha):  Phân chuồng hoai mục: 15 - 20 tấn, phân urê : 400 - 500 kg, Super lân: 250 - 300 kg, Kali đỏ (KCl) : 100 - 150 kg (nếu Sulfat Kali 150 - 200 kg), vôi: 400 - 500 kg (Ruộng chua thì phải bón vôi). Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, phân kali và vôi. Phân urê chia đều cho bón thúc và sau mỗi lần cắt. Khi cỏ được 25-30 ngày thì bón thúc, dùng 100 kg urê/ha, có thể bón thêm phân NPK khoảng 100 kg/ha nếu thấy cỏ xấu. Sau khi thu hoạch cỏ đợt đầu, phải làm sạch cỏ dại, xáo xáo đất và tiến hành bón thúc phân urê  50 kg/ha; các đợt tái sinh tiếp theo cũng bón phân như trên. Mùa khô phải tưới cho cỏ, cách 3 – 5 ngày tưới đẫm nước 1 lần.

2. Thức ăn:

2.1. Cách phối trộn thức ăn tinh:

* Yêu cầu chung khi phối trộn thức ăn tinh hỗn hợp

- Cần có từ ba loại thức ăn trở lên. Càng có nhiều loại thức ăn trong thành phần càng tốt. Cần sử dụng tối đa các loại thức ăn sẵn có của gia đình.

- Các loại thức ăn đem phối trộn phải đảm bảo chất lượng, không bị mốc, hấp hơi hoặc có mùi lạ.

- Các nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ.

- Khối lượng thức ăn phối trộn đảm bảo đủ dùng trong vòng một tuần, không phối trộn khối lượng quá lớn để tránh giảm chất lượng do bảo quản lâu.

- Thức ăn tinh hỗn hợp phải rẻ, dễ sử dụng và dễ bảo quản.

* Công thức phối trộn thức ăn (tính cho 100 kg thức ăn tinh hỗn hợp)

+ Công thức 1: Cám gạo: 35 kg; bột khoai mì: 10 kg; bột bắp: 30 kg; khô dầu các loại: 10 kg; bột cá (với NaCl <15%): 10 kg; bột sò hoặc bột xương: 4 kg; Urê: 0,5 kg; Premix khoáng và vitamin: 0,5 kg.

+ Công thức 2: Bột khoai mì: 85 kg; Khô dầu các loại: 10 kg; Urê: 3 kg; Muối ăn: 1 kg; Bột xương: 1 kg.

+ Công thức 3: Bột khoai mì: 65 kg; bột bắp: 25 kg; khô dầu các loại: 5 kg; Urê: 3 kg; muối ăn: 1 kg; bột xương: 1 kg.

Để phối chế thức ăn tinh hỗn hợp cũng có thể sử dụng thức ăn đậm đặc sản xuất công nghiệp, sau đó cho thêm một số thành phần (theo hướng dẫn trên bao bì), bảo đảm tạo ra một hỗn hợp vừa rẻ, chất lượng tốt, vừa sử dụng được các thức ăn sẵn có của gia đình.

* Cách phối trộn và bảo quản

- Đổ dàn đều các loại nguyên liệu thức ăn ra nền nhà, sân gạch hoặc tấm bạc theo thứ tự loại nhiều đổ trước loại ít đổ sau.

- Đối với một số loại nguyên liệu thức ăn có khối lượng nhỏ như khoáng, vitamin… phải trộn trước với một ít bột bắp hoặc cám gạo để tăng khối lượng sau đó mới trộn lẫn với các nguyên liệu khác.

- Dùng xẻng hoặc tay trộn thật đều, sau đó đóng vào bao, buộc kín lại.

- Bao thức ăn phải được đặt trên giá kê, không tiếp xúc trực tiếp với nền và tường nhà. 

- Thức ăn đã phối trộn cần được bảo quản nơi khô ráo, mát, có mái che.

- Có biện pháp tránh để chuột phá hoại.

2.2. Ủ chua thức ăn xanh

 - Hố ủ: Có thể sử dụng túi nilon, xây gạch hoặc đào đất lót nilon xung quanh và đáy hố ủ, với thể tích tùy lượng cỏ.

- Một số công thức ủ chua:

Công thức 1: Cỏ xanh + 3% rỉ mật + 1% muối ăn

Công thức 2: Cỏ xanh + 3% rỉ mật + 2% cám + 1% muối ăn

Công thức 3: Thân cây bắp + 5% rỉ mật + 2% cám + 1% muối ăn

Công thức 4: Dây đậu phụng + 7% bột bắp + 0,5 % muối ăn

- Chế biến nguyên liệu: Cỏ tươi sau khi thu họach, chuyển đến hố ủ. Băm nhỏ với kích thước từ 3 - 5 cm, sau đó phơi héo từ 6 - 10 giờ sao cho độ ẩm đạt khoảng 70%. Có thể xác định độ ẩm bằng cách đưa một nắm cỏ lên tay và nắm chặt lại: nếu tay ẩm nhưng không có nước chảy ra, và cỏ không trở lại trạng thái ban đầu là độ ẩm đạt từ 65 - 70%. Các loại nguyên liệu phụ như cám và muối ăn trộn sẵn. Nếu có điều kiện có thể trộn các nguyên liệu như cỏ (hoặc thân cây bắp), cám, muối và rỉ mật trước khi đưa vào hố ủ. 

- Cho nguyên liệu vào hố ủ: Cho nguyên liệu vào hố ủ theo từng lớp dày khoảng 15 - 30cm (tùy thuộc vào phương tiện cơ giới để nén cỏ). Nếu không trộn cỏ và các nguyên liệu thì ở bước này tiến hành rãi một lớp cỏ sau đó rãi các nguyên liệu phụ như cám, muối và rỉ mật. Trong một số trường hợp, có thể lót đệm dưới đáy hố ủ một lớp rơm, bả mía khô để hút bớt dịch hố ủ chảy ra.

- Nén chặt: Nén chặt để tạo môi trường yếm khí là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình ủ. Thức ăn càng được nén chặt chất lượng cỏ ủ càng cao.  Để đánh giá độ nén đạt yêu cầu, người ta tính toán sau cho nguyên liệu sau khi nén phải còn độ dày ½ so với độ dày ban đầu là đạt. Ví dụ, khi rãi một lớp nguyên liệu dày 20 cm, dùng phấn hay vôi đánh dấu sau đó nén và đo lại khi độ dày còn 10cm là đạt. Chú ý nén chặt các góc và các kẽ, thành hố ủ.

- Che phủ hố ủ:  Sau khi chất đủ lượng thức ăn như đã định, tiến hành dùng tấm bạt nylon phủ kín hố ủ. Nếu thời gian ủ kéo dài, có thể áp dụng cách trãi một lớp rơm dày lên bề mặt hố ủ sau đó đổ một lớp đất dày 30 –40cm. Sau khi ủ bạt, kiểm tra kỹ các góc, cạnh để đảm bảo là hố ủ được kín, không cho không khí xâm nhập vào và dùng các vật liệu (như khúc gỗ, đá, vỏ xe phế thải) để dằn, chặn.

Thời gian tiến hành ủ phải ngắn để hạn chế thức ăn tiếp xúc nhiều với không khí, quá trình hô hấp sẽ làm tiêu hao dưỡng chất và chất dinh dưỡng.

Thức ăn ủ chua có thể dự trữ từ 6 - 9 tháng (nếu kỹ thuật đúng). Sau 3 tuần ủ, lấy cỏ cho bò ăn, lấy từng lớp một từ trên xuống, sau mỗi lần lấy cỏ đậy kín nilon lại. Cỏ ủ tốt có màu vàng xanh, mùi thơm, không mềm nhũng, không quá chua. Khi dỡ thức ăn cho bò ăn cần chủ ý loại bỏ các lớp thức ăn bị nấm mốc.

Cần tính toán sao cho mỗi hố ủ chỉ đủ cho bò ăn trong vòng 7 - 10 ngày liên tục. Trong khẩu phần bò, lượng thức ăn ủ chua cho mỗi bò khoảng 5 - 7 kg/100 kg thể trọng/ngày và phải phối trộn với các loại thức ăn khác (cỏ khô, rơm khô..) để tránh trường hợp bò bị acid dạ cỏ. Khi bắt đầu cho ăn phải tập và tăng số lượng dần dần. Gia súc có thai cuối kỳ, gia súc nuôi con, gia súc non không nên cho ăn nhiều thức ăn ủ chua.

2.3. Ủ rơm khô: bằng urê, rỉ mật

- Hố ủ: có 2 ngăn, có thể xây bằng gạch (như ô chuồng heo) hoặc quây bọc bằng vải nhựa, túi nilon, kích thước hố ủ tùy theo số lượng bò.

- Cân rơm: Cân từng bó 10 kg rơm rồi rãi mỏng xuống nền hố. Số lượng rơm sao cho đủ bò ăn trong 1 tuần. Một bò ăn 7 - 8 kg rơm/ngày, như vậy cần 50 kg rơm ủ/bò/tuần.

- Lượng nước: Nếu rơm khô, thì tỷ lệ rơm, nước là 1/1, nếu rơm còn ẩm thì giảm lượng nước.

- Lượng Urê: Tỷ lệ Urê so với rơm là 4%, nếu rãi một lớp rơm khô 10 kg, thì cần 400g Urê pha 10 lít nước, tưới đều và chậm để nước Urê ngấm đều vào rơm.

- Nén rơm: Trong quá trình tưới nước Urê lên rơm phải giậm nén thật chặt cho rơm xẹp xuống, càng nén chặt càng tốt, đặc biệt là ở các góc của hố ủ.

- Che phủ hố ủ: Tiếp tục cho rơm vào hố ủ cho đến khi đầy hố ủ hoặc đủ lượng rơm cần ủ, rồi che phủ kín hố bằng 1 tấm bạt nhựa, hoặc nilon, bên trên hố cần làm mái che.

- Cách sử dụng rơm ủ Urê: Sau 7 - 10 ngày ủ lấy rơm cho bò ăn. Rơm ủ đạt chất lượng nếu có màu vàng tươi, hơi ướt, nóng 40 - 45oC và có mùi khai rất nồng, khi trên bề mặt có lớp meo trắng là có thể sử dụng được, nếu là mốc đen hoặc xanh thì phải bỏ đi. Mở một mặt của tấm phủ để lấy rơm, lấy từng lớp rơm một, lấy từ trên xuống dưới và đậy hố ủ thật kín sau mỗi lần lấy rơm. Chú ý tập cho bò ăn rơm ủ vài ngày đầu trước khi thay thế các loại thức ăn mà bò đã quen.

- Rơm ủ Urê có tỷ lệ đạm tăng 6 - 8%, tỷ lệ tiêu hóa tăng 45 - 50%, lượng rơm ủ cho bò ăn tăng lên 7 kg/con/ngày.

* Ủ rơm tươi: Cách làm giống như trên, nhưng không cần nước vì là rơm tươi, tỷ lệ urê và rơm tươi là 4%.

* Ủ rơm khô với Urê và rỉ mật đường: Tỷ lệ rơm, nước, rỉ mật đường, Urê: 100: 100: 4: 4. Cách ủ giống ủ rơm Urê, nhưng chú ý sao cho urê và rỉ mật đường tan đều trong nước.

2.4. Thức ăn cho bê:

Tuyệt đối không được sử dụng thức ăn có urê cho bê dưới 6 tháng tuổi. Có thể tham khảo công thức phối hợp sau:  40% bắp vàng, 25% Tấm gạo, 25% khô dầu nành hoặc hạt nành rang, 7% rỉ mật, 1,8 % bột xương, 1,2% hỗn hợp muối ăn, khoáng vi lượng và vitamin A và D. Hoặc 50% Bắp vàng, 15% cám gạo, 20% Khô dầu, 12 % bột cá, 1 % Bột xương, 2% khoáng vi lượng và vitamin A và D;

2.4. Men vi sinh hoạt: Dùng ủ cây bắp và cỏ tươi cho bò ăn rất tốt

- Công thức ủ: Cây bắp hoặc cỏ tươi : 100 kg, cám gạo: 10 kg, men VI SINH HOẠT TÍNH : 100 g

- Cách làm

Bước 1 :Cây bắp hoặc cỏ tươi phải được đem phơi cho hơi tái, sau đó băm thái để  có kích thước thích hợp

Bước 2: đem 100 g MEN VI SINH HOẠT TÍNH trộn với 10 kg cám gạo  cho thật đều

Bước 3 : Rải cỏ đã thái thành từng lớp có độ dầy vừa phải sau đó rắc hỗn hợp bột men lên. Làm như vậy nhiều lượt cho đến khi hết lượng cỏ cần ủ

Bước 4 : Lấy xẻng trộn đều sau đó cho vào bao có lót ni lông, vừa cho vào vừa lèn cho thật chặt đến khi đầy bao (không được để rách bao). Lấy dây buộc chặt miệng bao

Bước 5 : Xếp các bao cỏ vào chỗ ấm, kín gió để ủ.

Bước 6 : Sau thời gian vài ngày có thể quan sát thấy cỏ chuyển mầu vàng nhạt, có mùi chua ngọt là được, nếu chưa được phải để ủ tiếp

Cây bắp và cỏ ủ như vậy có thể cho ăn kéo dài trong 20 ngày

Cây bắp và cỏ ủ như trên cũng có thể để trong thời gian dài nếu được hút chân không, còn nếu để nguyên như vậy cũng có thể được nhưng độ chua thức ăn có thể cao và có một tỷ lệ bị hỏng nên cần theo dõi để định ra thời gian dự trữ thích hợp

CHI TIẾT VÀ NHU CẦU MUA MEN VI SINH HOẠT TÍNH XIN LIÊN HỆ CÔNG TY TAM NÔNG , SỐ ĐT 0907331580

         

3. Vệ sinh môi trường:

Làm hầm biogas: Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn. Chất thải sau khi đưa vào bể chứa được phân huỷ hết, giảm mùi hôi, kí sinh trùng hầu như bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch, phục vụ việc đun nấu, thắp sáng. Có thể tính kích thước của hầm biogas theo công thức như sau: Phân tươi/ngày x số gia súc x 2 (với bò) hoặc x 3 (với heo) x thời gian lưu giữ (30-60 ngày). Như vậy, hộ nuôi 50 con bò (một bò sản xuất khoảng 10 kg phân tươi/ngày), thì: Phân bò x số con x 2 x thời gian lưu giữ = 2 x 4 x 3 x (30-60) = 30.000 - 60.000kg. Như vậy hầm biogas có kích thước khoảng 30 - 60 m3. Anh có thể liên hệ phòng Nông nghiệp Sở NN và PTNT (gặp Anh Hiệp, ĐT: 0918424488) để được tư vấn thêm và lắp đặt hệ thống biogas cho mình.

Ngoài phương pháp làm hầm Biogas sản xuất khí sinh học sử dụng để làm khí đốt dùng trong sinh hoạt gia đình, chạy máy phát điện… Anh có thể kết hợp với một số phương pháp khác để xử lý chất thải trong chăn nuôi như: Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, ủ phân hữu cơ, hồ sinh học, dùng làm thức ăn cho các loại vật nuôi khác (nuôi trùn, …),….

Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, Anh cần bố trí thêm hố ủ phân phù hợp để ủ phân làm phân bón cho cây trồng (trồng cỏ,…). Tận dụng toàn bộ phân và cỏ ăn thừa cũng như chất độn đưa vào hố ủ phân nhằm tăng khối lượng phân bón, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chào bạn !