Mô hình trồng dừa xiêm xanh trên đất nhiễm mặn tại thôn Cam Bình

Thứ Tư 08/11/2017 15:23
397
Nhằm thực hiện chương trình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã, chuyển đổi diện tích đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Hội Nông dân xã Tân Phước, thị xã LaGi đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thị xã hướng dẫn cho bà con nông dân một hướng đi mới có hiệu quả kinh tế cao, lâu dài hơn và thân thiện với môi trường, đó chính là mô hình trồng Dừa xiêm xanh.

Giống Dừa xiêm xanh có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, thời gian cho trái nhanh, năng suất cao, không kén đất trồng, có tính chống chịu khô hạn, ngập úng, chịu mặn tốt… Từ thời điểm được nhận hỗ trợ mô hình tháng 08 năm 2016, đến nay đã hơn một năm, định kỳ theo dõi, kiểm tra mô hình, thấy tình trạng cây Dừa phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ mô hình được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh bón lót, dùng rơm rạ và cây lục bình tủ vào gốc, luôn chủ động nguồn nước tưới nên cây Dừa sinh trưởng tốt, không có dấu hiệu của sâu bệnh phá hoại. Điển hình như hộ: ông Hoàng Đình Quang, được Nhà nước hỗ trợ 250 cây giống trên tổng diện tích là 8000m2; 02 đợt phân bón gồm phân vi sinh, phân lân, phân đạm, phân kali và thuốc gồm thuốc trừ sâu, nấm lá, vàng lá, bọ cánh cứng,… Ông sử dụng chủ yếu là phân chuồng, phân vi sinh, kết hợp đạm – lân – kali đủ lượng riêng từng loại sau đó trộn lại và bón theo đầu ngọn rễ. Theo quy trình này, Dừa của gia đình ông Quang đến nay phát triển khá đồng đều và đạt chiều cao trung bình từ 1,2m - 1,6m, phát triển rất tốt, không có sâu bệnh.


Vườn Dừa hộ ông Hoàng Đình Quang, thôn Cam Bình, Tân Phước, LaGi

Ông Nguyễn Dũng, với diện tích 2000m2, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 70 cây giống; 02 đợt phân bón gồm phân vi sinh, phân lân, phân đạm, phân kali và thuốc trừ sâu, nấm lá, vàng lá, bọ cánh cứng,… Ông Dũng cho biết vì thấy được tiềm năng, nên gia đình ông đã chủ động khai hoang thêm 1000m2 còn lại và tự đặt mua giống Dừa về trồng.

Nhìn chung, Dừa của các hộ tham gia mô hình phát triển khá tốt sau 01 năm đầu tư. Và theo quy trình sinh trưởng và phát triển đến năm tứ 04 mới cho thu hoạch.  Các hộ tham gia mô hình hy vọng việc đầu tư phát triển trồng cây Dừa sẽ là hướng đi mới giúp các hộ dân ở vùng đất bị nhiễm mặn Cam Bình có cuộc sống ổn định.

Lê Đức An - Hội ND Tân Phước, LaGi